Tâm lý lạc quan lan tỏa trên thị trường tài chính toàn cầu sau quyết định táo bạo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chỉ số MSCI Châu Á-Thái Bình Dương nối dài đà tăng khi cổ phiếu ở Nhật Bản và Úc ghi nhận mức tăng ấn tượng, trong khi thị trường Trung Quốc đại lục giao dịch thận trọng hơn.
“Đây là một phản ứng hưng phấn hơi muộn”, Nick Ferres, Giám đốc đầu tư của Vantage Point Asset Management nhận định. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng đà tăng này có thể sẽ không kéo dài. “Định giá đã ở mức cao và bù đắp rủi ro kém, đặc biệt nếu chu kỳ lợi nhuận gây thất vọng”.
Dữ liệu việc làm mới nhất từ Mỹ tiếp tục củng cố niềm tin vào một cuộc “hạ cánh mềm” của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5, cho thấy thị trường lao động vẫn khỏe mạnh bất chấp sự chậm lại trong tuyển dụng.
Trong khi đó, mọi ánh mắt đang hướng về Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trước thềm quyết định chính sách quan trọng. Đồng Yên đã tăng nhẹ khi các nhà đầu tư chờ đợi manh mối về khả năng tăng lãi suất trong năm nay. Đáng chú ý, chỉ số lạm phát của Nhật Bản đã tăng tốc tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 8.
“Những gì chúng ta đã thấy là đồng USD có xu hướng suy yếu trước đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed, sau đó ổn định rồi tăng trở lại”, Mitul Kotecha, Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô FX và thị trường mới nổi châu Á của Barclays, chia sẻ trên Bloomberg Television.
Tại Trung Quốc, các ngân hàng đã quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn trong tháng 9, phản ánh sự thận trọng của các nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh các tổ chức tài chính đang phải vật lộn với tỷ suất lợi nhuận ở mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, tờ Securities Times đưa tin rằng động thái cắt giảm lãi suất của Fed có thể tạo ra không gian cho Trung Quốc tăng cường kích thích tiền tệ và tài khóa.
Trên thị trường hàng hóa, giá vàng tiếp tục ổn định gần mức cao kỷ lục, trong khi giá dầu đang trên đà ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 4.