Từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, mưa lũ thường xuyên đổ về các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, gây áp lực lớn lên hệ thống đê điều và đe dọa nghiêm trọng đến nhà cửa, hoa màu, ruộng đồng và sinh kế của người dân. Quan trọng hơn là việc kiểm soát mực nước dâng cao, phát hiện và xử lý kịp thời những khoang rỗng tiềm ẩn bên trong thân đê, có thể gây vỡ đê bất ngờ nếu không được chú ý đúng mức. Kinh nghiệm này cũng cho thấy sự cần thiết phải nhận diện và quản lý những rủi ro tiềm ẩn tương tự trong nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu hiện nay.
Những điểm xung yếu nhất
Điểm yếu nhất của một con đê không phải là bề mặt hay chiều cao, mà nằm bên trong thân đê – nơi các “lỗ dò” có thể tạo ra những khoang rỗng làm suy yếu cấu trúc. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, những điểm xung yếu này sẽ khiến nước lũ thẩm thấu, dẫn đến nguy cơ vỡ đê.
Tương tự, trong nền kinh tế, khi trải qua chu kỳ thắt chặt tiền tệ, những điểm yếu không dễ thấy qua các chỉ số như CPI hay tỷ lệ thất nghiệp, mà ẩn sâu trong cấu trúc doanh nghiệp, tổ chức tài chính, và dòng chảy tiền tệ. Những “lỗ dò vi mô” này, tuy khó nhận diện, nhưng có thể gây tổn thất lớn khi bị kích hoạt, giống như một lỗ dò nhỏ có thể làm suy yếu cả đoạn đê.
Đã đến lúc xả đập?
Khi mực nước dâng cao, điều hầu hết mọi người lo lắng là nó sẽ tiếp tục lên đến đâu và khi nào sẽ ngừng lại. Họ thường dựa vào đó để xây dựng các kịch bản ứng phó. Trong trường hợp tốt nhất, nước sẽ ngừng dâng và dần rút đi, nhưng đôi khi cần phải đưa ra quyết định xả đập để giảm áp lực. Dù đây là lựa chọn tồi tệ nhất, thực tế việc xả đập có thể giúp giảm bớt áp lực trên toàn tuyến đê và ngăn chặn nguy cơ vỡ đê toàn diện, dù gây ngập lụt một khu vực nhỏ. Tình huống xấu nhất là khi đê không được kiểm tra và gia cố thường xuyên, với những điểm yếu có thể sụp đổ bất ngờ, dẫn đến thảm họa không thể kiểm soát.
Tương tự, khi Fed duy trì lãi suất cao để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế, nền kinh tế phải đối mặt với các áp lực như tăng trưởng chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Những chỉ báo này thể hiện rõ một nền kinh tế đang chững lại, cho đến khi các dấu hiệu vĩ mô chỉ ra rằng cần phải có hành động từ Fed. Giống như ứng phó với mực nước dâng cao, có nhiều kịch bản có thể xảy ra. Các chỉ báo vĩ mô thường phản ánh những gì đã xảy ra, nên có quan điểm cho rằng Fed thường phản ứng chậm. Tuy nhiên, hành động “chậm mà chắc” cũng có thể là chiến lược đúng đắn để đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc, tối thiểu hóa thiệt hại ở mức thấp nhất (không nhất thiết phải “xả đập” khi đê vẫn còn “gồng” được). Do đó, có thể nói rằng, việc Fed giảm lãi suất dù sớm hay muộn, nhiều hay ít thì đều tốt cho nền kinh tế, và việc hạ lãi suất nhiều hơn kỳ vọng cũng chưa chắc đã là tình huống tồi tệ nhất.
Điều thực sự đáng lo ngại không phải là Fed có “xả đập” quá muộn hay không, mà là liệu có những “lỗ dò” tiềm ẩn trong nền kinh tế có thể gây ra thảm họa khi Fed chậm chân hay không – những yếu tố bất ngờ như nợ công, nợ tư nhân, nợ nước ngoài, hoặc các khoản vay rủi ro cao khác. Những rủi ro này thường không dễ nhận diện qua các chỉ báo vĩ mô và chỉ lộ ra khi đã gây ra sự sụp đổ lớn trên thị trường. Dấu hiệu duy nhất mà chúng ta có thể theo dõi là các động thái của ngân hàng trung ương và diễn biến lợi suất trên thị trường, nhưng đây là việc khá phức tạp, ngay cả với các chuyên gia tài chính, vì họ không phải là người trong cuộc.
Học hỏi từ quá khứ – Vì sao những điểm xung yếu bị bỏ qua?
Lịch sử cho thấy, nhiều lần Fed phải hạ lãi suất một cách khẩn cấp để cứu nền kinh tế khỏi suy thoái nghiêm trọng, nhưng điều này thường chỉ xảy ra sau khi một “lỗ dò” đã bị kích hoạt. Điển hình là cuộc khủng hoảng tài chính 2008, khi sự sụp đổ của Lehman Brothers, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới, dẫn đến một chuỗi phản ứng dây chuyền trên thị trường tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, sự sụp đổ này không hoàn toàn bất ngờ; trước đó, thị trường đã nhận thấy các vấn đề liên quan đến các khoản vay dưới chuẩn và rủi ro tiềm ẩn trong các chứng khoán phức tạp như MBS, CDOs, nhưng dấu hiệu này không được công chúng quan tâm so với các chỉ báo vĩ mô được công bố hàng ngày.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao chúng ta biết rủi ro có thể xảy ra nhưng lại không hành động kịp thời để ngăn chặn? Một phần câu trả lời nằm ở sự thiếu minh bạch và chính xác của số liệu. Các công ty định hạng tín nhiệm và tổ chức tài chính đã không cung cấp thông tin trung thực về mức độ rủi ro thực sự, mà thay vào đó làm đẹp báo cáo để thu hút đầu tư và tạo cảm giác an toàn giả tạo cho thị trường.
Báo cáo sai lệch và thiếu minh bạch, cùng với sự thông đồng và thao túng, là những nguyên nhân chính làm xói mòn niềm tin của thị trường. Điều này giống như khi đội bảo hộ đê không phát hiện hoặc bỏ qua những dấu hiệu suy yếu trong con đê để tránh gây hoang mang; nhưng khi nước dâng cao, những điểm yếu này lại nhanh chóng trở thành nơi đầu tiên sụp đổ.
Trong khủng hoảng tài chính 2008, các công ty định hạng tín nhiệm đã đánh giá sai mức độ rủi ro của nhiều sản phẩm tài chính phức tạp, cấp xếp hạng cao cho các sản phẩm chứa đựng các khoản vay dưới chuẩn. Đây không chỉ là vấn đề đánh giá sai, mà còn cho thấy sự thông đồng giữa các tổ chức tài chính và các cơ quan định hạng, khi mà các công ty phát hành MBS và CDOs trả tiền để được xếp hạng cao. Kết quả là, một loạt các sản phẩm rủi ro cao được tung ra thị trường với danh nghĩa an toàn, tạo nên bong bóng tài chính lớn, và cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ khi các yếu tố rủi ro tiềm ẩn bị phơi bày.
Lần này liệu có khác?
Hiện tại, các dữ liệu sẵn có về sức khỏe của thị trường tài chính Mỹ, từ các ngân hàng, người tiêu dùng đến doanh nghiệp, chưa cho thấy dấu hiệu “nhấp nháy” nào về một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Các chỉ số kinh tế chính như việc làm và tăng trưởng tiền lương vẫn mạnh mẽ, cho thấy khả năng chi tiêu của người tiêu dùng ổn định. Các chỉ báo hàng ngày và hàng tuần như chi tiêu qua thẻ ghi nợ, đặt chỗ nhà hàng, và du lịch hàng không cũng không cho thấy dấu hiệu suy yếu rõ rệt.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc mọi thứ đều an toàn. Các chỉ báo vĩ mô có thể không phản ánh đầy đủ những rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống. Những “lỗ dò vi mô” – như các khoản nợ xấu, các doanh nghiệp gặp khó khăn, hay các rủi ro tiềm ẩn trong dòng chảy tài chính – mới thực sự là nguyên nhân có thể gây ra các cú sốc bất ngờ. Lịch sử cho thấy rằng các cuộc suy thoái sâu thường bắt nguồn từ những khối nợ tiềm ẩn mà thị trường không nhận diện được cho đến khi chúng vỡ tung, gây ra những tác động sâu rộng và lâu dài. Trong bối cảnh dòng chảy tài chính toàn cầu, chúng ta cần chú ý tới những điểm nóng khác như EU, Trung Quốc, hay Nhật Bản, vì các biến động từ bên kia Đại Tây Dương hay bên kia bán cầu có thể tạo ra những phản ứng dây chuyền, lan sang các thị trường khác và làm gia tăng rủi ro trên phạm vi toàn cầu, trong đó có nền kinh tế Mỹ hoàn toàn không thể vô can.
Điều cần rút ra từ quá khứ là phải cảnh giác với những yếu tố tiềm ẩn trong hệ thống. Việc Fed hạ lãi suất không phải là nguyên nhân gây ra suy thoái; ngược lại, nó thường có lợi cho nền kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, những đợt đổ vỡ toàn diện thường xuất phát từ các “lỗ dò vi mô” – những điểm yếu không rõ ràng nhưng tiềm ẩn trong các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, và các dòng chảy nợ toàn cầu. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, chúng có thể trở thành nguồn gốc của những cú sốc lớn, những “cơn lũ” thực sự trên thị trường.