Ngày 05/8/2024 sẽ đi vào lịch sử thị trường chứng khoán Nhật Bản như một ngày đen tối chưa từng có. Chỉ số Nikkei 225 đã chứng kiến cú sụt giảm chóng mặt 4,451.28 điểm, vượt xa cả “Thứ Hai Đen tối” năm 1987 – từng là một cột mốc đáng sợ trong lịch sử tài chính toàn cầu.
Cơn địa chấn này không chỉ giới hạn ở Nhật Bản. Như một hiệu ứng domino, các thị trường chứng khoán khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng lao đao. Chỉ số Taiex của Đài Loan rơi tự do hơn 8%, trong khi KOSPI của Hàn Quốc “bốc hơi” hơn 8% và thị trường phải tạm ngưng giao dịch. Ngay cả những thị trường được xem là ổn định hơn như Singapore và Úc cũng không thoát khỏi cơn lốc bán tháo, với mức giảm trên 3%.
Đằng sau cơn bão này là một loạt các yếu tố đan xen phức tạp. Nỗi lo về một cuộc suy thoái tiềm tàng tại Mỹ đã tạo ra làn sóng bán tháo từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, đồng Yên bất ngờ tăng giá mạnh lên mức cao nhất trong 7 tháng, qua đó gây áp lực nặng nề lên các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản, điển hình là gã khổng lồ Toyota với mức giảm 10%.
Bên cạnh đó, nguyên nhân có thể còn đến từ động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vào tuần trước. Quyết định nâng lãi suất từ 0.1% lên 0.25% đã châm ngòi cho đợt bán tháo kéo dài 3 ngày liên tiếp. Naka Matsuzawa, Chiến lược gia trưởng tại Nomura Securities, nhận định: “Trong tình hình hiện tại, việc BoJ tiếp tục tăng lãi suất gần như là không thể”.
Các ngân hàng lớn như Mizuho, Mitsubishi UFJ và Sumitomo Mitsui đều chứng kiến cổ phiếu của mình lao dốc từ 14% đến 16%. Ngay cả những ngân hàng khu vực nhỏ hơn cũng không thoát khỏi cơn bão, với Ngân hàng Chiba ghi nhận mức giảm choáng váng 19%.
Tình hình căng thẳng đến mức Sàn Giao dịch Chứng khoán Osaka buộc phải tạm ngưng giao dịch hợp đồng tương lai Nikkei 225 và Topix.
Naka Matsuzawa, chiến lược gia trưởng tại Nomura Securities, nhận định: “Các nhà đầu tư nước ngoài đang bán cổ phiếu Nhật Bản do lo ngại Mỹ có thể đang hướng tới suy thoái”. “Sự sụt giảm không thực sự xảy ra do các lý do cụ thể của Nhật Bản,” ông nói. “Thị trường vẫn đang cố gắng tìm đáy”.
Margin cao khuếch đại mức bán tháo?
Sự sụt giảm nhanh chóng của thị trường chứng khoán có thể đã kích hoạt một làn sóng bán giải chấp quy mô lớn trên thị trường.
Takatoshi Itoshima, Chiến lược gia tại Pictet Asset Management, nhận xét: “Chúng tôi thấy có vẻ như các nhà đầu tư cá nhân đang bị giải chấp bắt buộc”. Ông nói thêm: “Mặc dù có thể chúng ta đang đạt đến đỉnh điểm bán tháo trong ngắn hạn, tôi không thể chắc chắn.”
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này có thể được tìm thấy trong việc sử dụng margin (ký quỹ) quá mức. Vị thế mua margin của các nhà đầu tư cá nhân đã tăng lên mức cao nhất trong 18 năm vào cuối tháng 7, ngay cả khi chỉ số Nikkei 225 đã trượt khỏi đỉnh lịch sử. Khi giá cổ phiếu giảm mạnh hơn dự kiến, những nhà đầu tư đã mua cổ phiếu bằng tiền ký quỹ thường buộc phải đóng vị thế của họ, trừ khi họ có đủ tiền mặt dự phòng để bổ sung ký quỹ.
Masahiro Ichikawa, chiến lược gia trưởng tại Sumitomo Mitsui DS Asset, nhận định: “Những người không có nhiều kinh nghiệm đầu tư có thể chưa từng trải qua những đợt sụt giảm lớn của thị trường như thế này, vì vậy cú sốc có thể khá lớn. Tôi nghĩ sẽ cần thêm một chút thời gian nữa để thị trường ổn định sau những đợt giảm lớn như vậy.”
Tuy nhiên, không phải tất cả đều nghĩ tiêu cực. Zuhair Khan, quản lý quỹ cấp cao tại UBP Investments, nhìn nhận đây có thể là cơ hội mua vào cho các tổ chức và quỹ hưu trí Nhật Bản. Ông lập luận rằng cổ phiếu Nhật Bản vẫn đang ở mức giá hợp lý và sự sụt giảm này chủ yếu do dòng tiền nóng rút ra, bao gồm cả từ Trung Quốc.
Khi mọi thứ dịu lại, câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là dấu hiệu của một cuộc suy thoái toàn cầu sắp tới hay chỉ là một cú sốc tạm thời? Nhiều nhà phân tích đang đặt hy vọng vào khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9, một động thái có thể giúp ổn định tình hình.
Dù kết quả ra sao, ngày 05/08/2024 chắc chắn sẽ được ghi nhớ như một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử tài chính Nhật Bản và châu Á.